Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan liên tục nhắm vào Pháp?

Kênh TGT - Vụ thảm sát tại tạp chí Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng được xem là đẫm máu nhất trong 50 năm qua ở Pháp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát mạnh mẽ của các hoạt động khủng bố Hồi giáo cực đoan ngay trong lòng nước Pháp những năm gần đây.
Vào cuối năm 2014, Thủ tướng Pháp từng nhận định, Pháp chưa bao giờ đứng trước mối đe dọa khủng bố lớn hơn hiện nay.

"Chưa bao giờ chúng ta đứng trước nguy cơ khủng bố lớn hơn hiện nay. Toàn xã hội phải đoàn kết để chống lại nguy cơ này trong khi chúng ta có tới hơn một nghìn công dân liên quan đến các hoạt động khủng bố", ông Manuel Valls nhấn mạnh tháng trước.
Lực lượng Hiến binh Pháp đứng bảo vệ trẻ em lên một xe buýt khi chúng được sơ tán khỏi hiện trường vụ hai bắt cóc con tin tại một khu công nghiệp ở Dammartin-en-Goële, phía đông bắc Paris ngày 9.1.
Theo cảnh sát Pháp thì từ mùa hè năm 2013 đến nay đã có 5 âm mưu khủng bố bị phá vỡ. Đặc biệt, nước Pháp đang trở thành mục tiêu thường xuyên của khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Một minh chứng là, trong ba ngày cả nước Pháp và toàn thế giới đã chấn động trước những vụ thảm sát đẫm máu và bắt cóc con tin tại Paris, trong đó, các thủ phạm đều tuyên bố thực hiện hành động tội ác nhân danh Hồi giáo.
Ông Shaun Gregory, chuyên viên về an ninh quốc tế thuộc Đại học Durham nhận định, Pháp là "tuyến đầu" của khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Âu và đã ở trong tình trạng này từ nhiều thập niên.
“Vào thời kỳ giữa thập niên 1990, nước Pháp từng phải chịu đợt tấn công đầu tiên của khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Âu. Một làn sóng khủng bố Hồi giáo cực đoan đã báo trước về vụ 11.9 và sau đó, các vụ khác tiếp diễn", ông Shaun Gregory nhấn mạnh.
Thành viên của các lực lượng an ninh Pháp hối hả tới hiện trường của vụ bắt cóc con tin tại một khu công nghiệp ở Dammartin-en-Goële, phía đông bắc Paris ngày 9.1

Năm 1995, một quả bom nổ trên xe lửa ở Paris, giết chết 8 người và làm hơn 100 người bị thương. Đó là một trong những vụ tấn công mà người ta quy cho các phần tử cực đoan Algeria. Năm sau, một vụ nổ bom khác cũng trên tuyến xe lửa này, giết chết 4 người và làm gần 100 người bị thương.

Sau đó, theo ông Gregory, hoạt động khủng bố cực đoan nhắm vào Pháp có dấu hiệu giảm bớt. Một phần là vì xu thế chính trị khi Pháp ban đầu không nhập cuộc trong chiến tranh Iraq do Mỹ dẫn đầu hồi năm 2003.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan lại gia tăng. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát của Liên minh châu Âu (Europol), kể từ năm ngoái có trên 500 vụ khủng bố trên khắp châu Âu, trong đó gần một nửa xảy ra ở Pháp. Ngoài ra, 40% các vụ bắt giữ có liên quan đến hoạt động khủng bố là ở Pháp.
Chuyên gia Gregory cho hay, mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan lại bùng phát phần nào là do sự chuyển đổi chính sách chính trị của Pháp.
Theo chuyên gia này, Pháp đã tham gia sứ mệnh quân sự tại Afghanistan đồng thời, nỗ lực gia tăng vai trò bình ổn xung đột tại Bắc Phi cũng như Libya và Marocco. Đặc biệt phải kể đến các hoạt động quân sự của quân đội Pháp tại Mali từ năm 2012 đến nay cũng như việc nước này tích cực tham gia liên minh chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq do Mỹ dẫn đầu.
Việc đưa quân tới những quốc gia có đa số công dân là người Hồi giáo khiến Pháp trở thành "cái gai" trong mắt những kẻ cực đoan.
Một nguyên nhân quan trọng khác là, Pháp là nhà của cộng đồng Hồi giáo đông đảo nhất Tây Âu, ước tính khoảng từ 5 triệu đến 6 triệu người. Tuy nhiên, một số chính sách và thái độ của Pháp đối với cộng đồng Hồi giáo trong nước chưa thỏa đáng trong đó có lệnh cấm đeo mạng che toàn gương mặt nơi công cộng cũng như cấm đội khăn trùm đầu trong các trường công đã góp phần khiến hoạt động khủng bố cực đoan có nhân tố Hồi giáo gia tăng.
Một phụ nữ mặc đồ và đeo mạng che mặt đi trên phố ở Saint-Denis, gần Paris, Pháp
Nhiều người Hồi giáo tại Pháp chỉ trích rằng, họ bị phân biệt đối xử tại trường học và nơi làm việc.
Sự phẫn nộ của người Hồi giáo ở Pháp từng bùng nổ thành bạo loạn ở vùng ngoại ô nghèo xung quanh Paris và các thành phố khác trong năm 2005.
"Việc chính phủ Pháp tìm cách củng cố chủ nghĩa thế tục và ngăn chặn các biểu tượng tôn giáo nơi công cộng cộng với nhận thức về sức ép đối với cộng đồng Hồi giáo bên trong nước Pháp gia tăng đã đẩy nước Pháp trở thành tuyến đầu của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu", ông Gregory nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 400 công dân nước này đã bỏ quê hương, tới chiến đấu trong hàng ngũ các nhóm thánh chiến ở Syria và Iraq. Hơn 200 người khác đang chuẩn bị bỏ đi. Hàng trăm người khác cũng chuẩn bị gia nhập IS. Ước tính, ít nhất 1.000 công dân Pháp được cho là có liên quan đến các nhóm thánh chiến ở Syria, Iraq và ngay trong lòng nước này.
Trong khi đó, khoảng 200 chiến binh từng chiến đấu ở Syria hoặc Iraq đã trở về Pháp và trở thành mối đe dọa an ninh khi họ có thể ngấm các tư tưởng cực đoan để rồi thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên chính quê hương.

                                                                                                   Theo Phương Đăng (Dân Việt)

0 comments:

Post a Comment